Bước chân vào ngưỡng cửa cao đẳng, đại học mọi thứ sẽ không còn như thời cấp 3, nhất là việc ôn tập và thi cử sao cho hiệu quả. Nếu như ở cấp 3, các bạn sẽ được thầy cô dành nhiều thời gian ôn tập và thúc giục ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi. Thì khi vào đại học, cao đẳng mọi thứ khác đi hoàn toàn, phần nhiều dựa vào ý thức và sự tự giác của bản thân. Vậy học tập như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu 7 cách học tập hiệu quả để đạt điểm cao thời sinh viên ở bài viết bên dưới nhé!
7 cách học hiệu quả dành cho các bạn sinh viên
1. Hãy xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu
Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều cần xác định một thái độ rõ ràng, đúng đắn và việc học cũng vậy. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… Nên có một động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi nhiệt huyết giảm và không muốn nỗ lực nữa. Khi học nên nghiêm túc, kiên trì, đừng để bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào.
Có nhiều sinh viên đến lớp chỉ để điểm danh, hay chỉ đến để tán gẫu với bạn bè mà không có một mục tiêu rõ ràng gì cho việc học. Điều này không chỉ làm phí phạm thời gian, kiến thức của bản thân mà cả tiền bạc của bố mẹ. Hãy luôn nghĩ về số tiền mà bố mẹ đã cực khổ kiếm được để bỏ ra cho chúng ta ăn học, tuy hơi thực tế nhưng nó sẽ là động lực để bạn cố gắng và không sao nhãng việc học.
2. Nên đi học đầy đủ
Bạn nên đi học đầy đủ nhất có thể, mặc dù đi học chuyên cần chỉ đóng góp 20% - 30% vào điểm số cuối kỳ của bạn. Đi học đầy đủ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng mà giảng viên giảng trên lớp và những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành.
Đi học chuyên cần giúp bạn không bỏ lỡ kiến thức quan trọng
Tất nhiên, sinh viên là bạn còn phải dành thời gian cho các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm ngoại ngữ,… Tuy nhiên, hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để mọi thứ được cân bằng. Và hãy nên ưu tiên việc học nhé!
3. Ngồi bàn đầu tốt hơn bàn cuối
Có rất ít sinh viên lựa chọn ngồi bàn đầu vì sợ bị giảng viên hỏi. Đa số, thường có xu hướng ngồi giữa hoặc ngồi cuối. Tuy nhiên, đây là một sai lầm sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.
Ngồi bàn cuối bạn sẽ không thể tập trung được, vì hầu hết những người chọn ngồi bàn cuối là để làm việc riêng, để có thể thoải mái ngủ, bấm điện thoại mà không bị giảng viên chú ý. Tuy nhiên, ngồi cuối có thể bạn sẽ không nghe được giảng viên nói gì và thậm chí là không thể nhìn được bảng hay slide thuyết trình. Và còn rất nhiều lợi thế mà chỉ có ngồi bàn đầu bạn mới biết.
4. Tìm cho mình những người bạn
Bạn bè không chỉ giúp chúng ta có thêm động lực để đi học, mà nhiều kiến thức chúng ta chưa biết có thể hỏi bạn bè.
Những người bạn cùng chung mục tiêu sẽ kéo bạn đến sinh hoạt ở các câu lạc bộ, tham gia những sự kiện thú vị, đi đến những buổi hội thảo, kỹ năng mềm… và vô số nơi để bạn được mở mang kiến thức và thăm thú. Hay đơn giản, chúng sẽ là người lôi bạn ra khỏi phòng vì những môn học khô khan, cứng nhắc hay những đống bài tập, tiểu luận chất như núi mà bạn chưa “rờ” tới.
Bạn bè sẽ là người học chung với bạn, chơi chung với bạn và phát triển cùng bạn. Hãy nhớ “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Bạn bè thời sinh viên giúp chúng ta có thêm động lực học tập
5. Hãy mạnh dạn hỏi và nêu lên quan điểm của mình
Nếu có cơ hội, bạn nên xung phong phát biểu và lên bảng làm bài tập. Mỗi lần như vậy, thầy cô sẽ đánh một dấu “+” vào tên bạn trong danh sách lớp. Mỗi dấu “+” bạn sẽ được cộng từ 0.25 đến 1 điểm vào bài thi giữa kỳ tùy vào mỗi môn học. Đó là những điểm vừa đáng quý lại còn dễ dàng lấy được.
Những điểm cộng này sẽ làm giảm bớt áp lực thi cử của bạn. Và lỡ không may bạn có sai sót trong bài thi, thì nó cũng sẽ kéo điểm của bạn lên một ít.
Không những vậy, mạnh dạn nêu lên ý kiến, quan điểm của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn, có thể hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.
6. Dành thời gian cho việc học tại nhà
Bạn nên dành thời gian tự học ở nhà một cách đều đặn. Lên đại học, cao đẳng việc học ở nhà không còn vất vả như thời cấp 3 nữa. Bạn sẽ không phải dành cả buổi tối hay thậm chí thức đêm làm bài tập.
Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành 20-30 phút cho mỗi môn học, chỉ để nắm bắt được những gì đã học ngày hôm trước và biết được sẽ học gì vào ngày hôm sau. Và bạn phải khiến nó trở thành một thói quen hằng ngày.
Tuy rằng đến lớp sẽ chẳng có ai kiểm tra bài cũ bạn, nhưng việc tự học đều đặn sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn vì bạn biết bạn đang học cái gì và việc này rất hữu ích trong quá trình ôn thi của bạn.
7. Ôn luyện trước khi thi
Bạn cần ôn luyện tất cả những kiến thức mà giảng viên đã dạy trên lớp và kiến thức được yêu cầu học tại nhà, hãy tóm tắt ra để có thể nắm vững hết tất cả những kiến thức trọng tâm của môn, đôi khi nó chỉ gói gọn vài tờ giấy A4.
Còn đối với những môn học như Giáo dục chính trị, Pháp luật,... bắt buộc phải học thuộc lòng thì giảng viên sẽ cho bạn đề cương và giới hạn ôn tập. Bạn cũng sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần để ôn tập trước kỳ thi.
Đừng quên dành thời gian ôn tập cho thật hợp lý nhé!
Nếu bạn muốn đạt được kết quả tốt trong những năm tháng sinh viên thì hãy áp dụng ngay 7 cách học tập hiệu quả trên nhé! Lúc đó việc học của bạn trở nên thoải mái và dễ dàng hơn, không làm bạn cảm thấy áp lực để còn dành thời gian cho những điều thú vị khác như: đi làm thêm , đi tình nguyện, tham gia các hoạt động, câu lạc bộ…
Trung tâm Truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp