Traffic Count

E-LEARNING – XU HƯỚNG TẤT YẾU CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

E - LEARNING

– XU HƯỚNG TẤT YẾU CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

                                                                                                     ThS. Trần Hải Nguyên – Trưởng Phòng QHDN &HTQT

Khái niệm E-learning (học trực tuyến) đã khá phổ biến đối với hệ thống giáo dục thế giới. E-learning giúp người học tiết kiệm chi phí đi lại, dễ dàng tương tác với giáo viên, cập nhật thông tin mới nhất, không hạn chế về khoảng cách… đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, tâm lý đa phần sinh viên xem E-learning là rào cản lớn đối với bản thân do thói quen và phương pháp học. Vì đã quá quen với phương pháp học truyền thống là đến trường và ngồi nghe giáo viên giảng bài nên khi được làm quen với hình thức học chủ động hoàn toàn thì gặp phải nhiều vấn đề còn bỡ ngỡ.

1. E-learning là gì?

E-Learning (viết tắt của Electronic Learning) là một thuật ngữ có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau:

- E-Learning là sử dụng các công nghệ Web và Internet trong học tập (William Horton).

- E-Learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Compare Infobase Inc).

- E-Learning nghĩa là việc học tập hay đào tạo được chuẩn bị, truyền tải hoặc quản lý sử dụng nhiều công cụ của công nghệ thông tin, truyền thông khác nhau và được thực hiện ở mức cục bộ hay toàn cục (MASIE Center).

- Việc học tập được truyền tải hoặc hỗ trợ qua công nghệ điện tử. Việc truyền tải qua nhiều kĩ thuật khác nhau như Internet, TV, video tape, các hệ thống giảng dạy thông minh và việc đào tạo dựa trên máy tính (CBT) (Sun Microsystems, Inc).

- Việc truyền tải các hoạt động, quá trình, và sự kiện đào tạo và học tập thông qua các phương tiện điện tử như Internet, intranet, extranet, CD-ROM, video tape, DVD, TV, các thiết bị cá nhân... (e-learningsite).

- "Việc sử dụng công nghệ để tạo ra, đưa các dữ liệu có giá trị, thông tin, học tập và kiến thức với mục đích nâng cao hoạt động của tổ chức và phát triển khả năng cá nhân." (Định nghĩa của Lance Dublinhướng tới e-learning trong doanh nghiệp).

- E-Learning là cách thức học mới qua mạng Internet, qua đó học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi, học theo sở thích và học suốt đời (EDUSOFT LTD).

2. E-Learning là giải pháp học tập hiệu quả?

- E-Learning làm biến đổi cách học cũng như vai trò của người học, người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi nhờ có phương tiện trợ giúp việc học.

- Người học có thể học theo thời gian biểu cá nhân với nhịp độ tuỳ theo khả năng và có thể chọn các nội dung học, do đó nó sẽ mở rộng đối tượng đào tạo rất nhiều. Tuy không thể hoàn toàn thay thế được phương thức đào tạo truyền thống, E-Learning cho phép giải quyết một vấn đề nan giải trong lĩnh vực giáo dục đó là nhu cầu đào tạo của người lao động và số lượng sinh viên tăng lên quá tải so với khả năng của các cơ sở đào tạo.

- E-Learning sẽ có sức lôi cuốn rất nhiều người học kể cả những người trước đây chưa bao giờ bị hấp dẫn bởi lối giáo dục kiểu cũ và rất phù hợp với hoàn cảnh của những người đang đi làm nhưng vẫn muốn nâng cao trình độ.

- Các chương trình đào tạo từ xa trên thế giới hiện nay đã đạt đến trình độ phong phú về giao diện, sử dụng rất nhiều hiệu ứng đa phương tiện như âm thanh, hình ảnh, hình ảnh động ba chiều, kĩ xảo hoạt hình,… có độ tương tác cao giữa người sử dụng và chương trình, đàm thoại trực tiếp qua mạng. Điều này đem đến cho học viên sự thú vị, say mê trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như hiệu quả trong học tập.

- E-Learning cho phép học viên làm chủ hoàn toàn quá trình học của bản thân, từ thời gian, lượng kiến thức cần học cũng như thứ tự học các bài, đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, tự do trao đổi mới những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể hoặc đòi hỏi chi phí quá cao.

3. Thế giới đã ứng dụng E - learning thế nào?

Mô hình E-Learning giờ đây đã không còn xa lạ trên thế giới. Xuất hiện tại Mỹ từ năm 1999, đến khoảng năm 2010, sự phát triển mạnh của các ứng dụng trên nền tảng di động và mạng xã hội như: Facebook, Google Plus, Instagram... cho phép người dùng tăng cơ hội và phương tiện tương tác mọi lúc, mọi nơi. Theo thống kê của Cyber Universities năm 2018, có hơn 80% trường đại học ở Mỹ sử dụng phương thức đào tạo E-Learning. Chẳng hạn, Trường đại học Arizona State University hiện nay có 130.000 sinh viên, trong đó 40.000 sinh viên học online. Bên cạnh đó, E-Learning còn được coi như là một kênh đào tạo nhân viên hiệu quả khi có tới 77% công ty ở Mỹ đưa các khóa học E-Learning vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân viên của mình. Ở Châu Á, gần 90% Trường Đại học tại Singapore sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến. Còn tại Hàn Quốc, Trường Đại học Hanyang trên toàn hệ thống có khoảng 30.000 sinh viên nhưng riêng hệ thống dạy online 100% thì chiếm tới hơn 25.000 sinh viên, gấp 5 lần học offline.

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang là lực đẩy để E-Learning tiếp tục tiến xa hơn trong tương lai và ước tính sẽ đạt 325 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2025, bởi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có sức ép lớn về dân số, kinh tế như Ấn Độ, Philippines, Mexico... coi E-learning như cơ hội để đuổi kịp và san bằng khoảng cách với các nước phát triển. Theo tờ University World News, tổng doanh thu đạt được trong lĩnh vực E-Learning năm 2018 của khu vực Châu Á là khoảng 12,1 tỷ USD, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu, chiếm tới 70% vốn đầu tư mạo hiểm và 30% tổng số người dùng giáo dục trực tuyến toàn thế giới. Theo Economist, số người đăng ký học trực tuyến trên thế giới tăng từ khoảng 60 triệu người (năm 2016) lên khoảng 70 triệu người (năm 2017).

4. Hiện trạng E-Learning tại Việt Nam thế nào?

Theo đánh giá của TS. Vũ Thế Dũng có thể tạm phân việc ứng dụng E-Learning của các trường hiện nay thành 5 bậc.

Bậc 1 gồm 100% lớp học truyền thống.

Bậc 2, E-Learning chỉ là nền tảng lưu trữ và chia sẻ một số tài nguyên học tập.

Bậc 3, E-Learning được sử dụng rộng rãi hơn, nhiều tài nguyên hơn, nhưng lớp học trực tiếp vẫn là chủ đạo.

Bậc 4, E-Learning kết hợp trong phương thức và triết lý giáo dục, và trở thành một thành phần quan trọng của quá trình tổ chức lớp học với các triết lý như lớp học đảo ngược (flipped classroom). Đây là bậc cao. Ở mức độ này, có sự hiểu biết và đầu tư mạnh của lãnh đạo nhà trường, nhưng E-Learning vẫn chỉ là công cụ dạy và học chứ chưa thay đổi cấu trúc và mô hình vận hành của nhà trường.

Bậc 5, trường học đã thực sự chuyển đổi số hoàn toàn (digitalization) mô hình hoạt động của mình từ học tập, giảng dạy, quản lý, chất lượng. Ở bậc này nó thực sự thay đổi cách tiếp cận và chất lượng giáo dục.

Hầu hết các trường ở Việt Nam, đang ở bậc 1, 2. Số ít ở bậc 3. Bậc 4 diễn ra ở một số môn học, ở một số trường lớn nhưng chưa mang tính hệ thống.

5. Học E – Learning thế nào để đạt kết quả tốt?

Tiến sĩ Kate Symon chia đã chia sẽ phương pháp học E-Learning hiệu quả. Có lẽ nó cũng sẽ hữu ích đối với sinh viên ITC cho việc học tập trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19:

 Thứ nhất, Hãy kiên nhẫn: trong tình thế cấp bách, các giảng viên của trường chuẩn bị bài giảng trực tuyến trong thời gian ngắn. Để có được bài giảng trực tuyến tốt cần có nhiều thời gian chuẩn bị. Vậy nên các bạn hãy kiên nhẫn nếu ban đầu có những chi tiết chưa phù hợp.

Thứ hai, Tận dụng việc học trực tuyến: Học trực tuyến hẳn sẽ trở nên ngày càng phổ biến hơn trong tương lai, do đó đây lại là cơ hội tốt để phát triển những kỹ năng giúp các bạn thành công.

 Thứ ba, Phát triển kỹ năng tương tác: các bạn sẽ tương tác theo nhiều cách trên các hình thức trực tuyến khác nhau (email, trang/bảng tương tác, mạng xã hội, hội thảo trực tuyến). Hãy thể hiện một cách chuyên nghiệp và phù hợp nhưng cũng đừng ngại thể hiện phẩm chất và cá tính thật của các bạn.

 Thứ tư, Nếu Tôi gặp các vấn đề về công nghệ thì sao? Hãy có sáng kiến và nhạy bén. Đừng bỏ cuộc khi các bạn gặp phải một vấn đề về kỹ thuật. Ví dụ như nếu đường link tài liệu không đọc được thì bạn có thể tự tìm kiếm bài báo tạp chí đó bằng công cụ tìm kiếm thư viện khác.

Thứ năm, Tạo dựng thói quen: Có rất nhiều cách để quản lý thời gian, do đó hãy tự tìm cho mình một cách phù hợp nhất. Có thể bạn sẽ có những bài tập hằng ngày hoặc hàng tuần cũng như các mục tiêu xa hơn với hạn định về thời gian thực hiện. Hãy lên kế hoạch hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng để có thể hoàn thành những mục tiêu này.

 Thứ sáu, Kết nối: Hãy chủ động giao tiếp với bạn học của mình. Tạo các nhóm trên Whatsapp (hoặc bất kì ứng dụng nào phù hợp với bạn) cho việc trao đổi thêm. Hình thành các nhóm học tập ảo và cùng học tập thông qua các bài giảng trực tuyến với nhau.

 Thứ bảy. Tìm nơi yên tĩnh để làm việc: Đúng như vậy, các bạn có thể làm việc trên giường ngủ nhưng chưa chắc đã là nơi thuận tiện nhất. Chắc chắn rằng bạn có một nơi yên tĩnh để làm việc, hãy thử ngồi vào bàn làm việc và tránh xa những thứ gây xao nhãng khác.

 Thứ tám, Định hướng đúng để giải quyết vấn đề: Điều này sẽ được hướng dẫn khi các bạn tham gia các khóa học của mình, hãy liên hệ đúng người sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh chóng.

 Thứ chín, Tận dụng trang/bảng tương tác: Nếu khóa học của bạn có trang/bảng tương tác, đó sẽ là một cách tuyệt vời để trao đổi với bạn bè và học nhóm. Hãy đặt câu hỏi, bình luận câu trả lời của các bạn học và tham gia đối thoại.

 Thứ mười, Học trực tuyến có thể cũng sẽ phong phú đa dạng, hỗ trợ và thú vị như khi bạn ngồi trên giảng đường. Hi vọng rằng bạn có thể trải nghiệm và có thật nhiều bài học quý giá.

Và cuối cùng, Tôi luôn tin Lãnh đạo nhà trường, các Phòng/Khoa, các giảng viên sẽ luôn đồng hành với các bạn dù giai đoạn này hay sau này trong việc học tập và kiến tạo sự nghiệp khi học tập tại ITC.

 

Tài liệu tham khảo:

1.http://hubt.edu.vn/tin-tuc/25-12-2014/tong-quan-ve-elearning/32/157/

2.http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-giao-duc-dao-tao-truc-tuyen-o-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap-301446.html

3.https://laodong.vn/giao-duc/hoc-truc-tuyen-tai-sao-phai-la-xu-huong-bat-buoc-trong-thoi-dai-moi-782873.ldo

4.https://vnexpress.net/giao-duc/hoc-truc-tuyen-toc-do-phat-trien-nhanh-mo-ra-ky-nguyen-dao-tao-moi-3841121.html

5.https://doimoisangtao.vn/news/gio-dc-trc-tuyn-vit-nam  

 

***

  • Đăng ký xét tuyển
  • 0938861080
  • Facebook