Traffic Count

Sinh viên đi làm thêm - nên hay không?

Đi làm thêm không phải là việc gì quá xa lạ với các bạn sinh viên. Tuy nhiên, hầu hết các phụ huynh đều không muốn con em mình đi làm thêm quá sớm mà chỉ muốn các bạn tập trung vào học tập. Vậy sinh viên đi làm thêm – nên hay không? Hãy cùng ITC tìm kiếm câu trả lời ở bài viết bên dưới nhé!

Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

1. Sinh viên sẽ được gì khi đi làm thêm?

Hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên quyết định đi làm thêm, có bạn đã đi làm ngay từ năm nhất không chỉ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn bởi những lợi ích không thể bỏ qua như:

  • Cơ hội trải nghiệm thực tế

Đi làm thêm là cơ hội để bạn có thể trải nghiệm thực tế các ngành nghề khác nhau, nhờ đó các bạn biết mình thích gì hay phù hợp với điều gì? Từ những gì được trải nghiệm và tiếp xúc các bạn sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất về đam mê, con đường mà mình sẽ gắn bó theo đuổi trong đời.

  • Cơ hội nâng cao kiến thức

Bạn sẽ học hỏi thêm được nhiều điều mới mẻ, mở rộng tư duy, góc nhìn khi bạn đi làm thêm, chứ không chỉ gói gọn trong môi trường học đường. Nếu chỉ học ở trên lớp, với khối lượng kiến thức đa số chỉ toàn là lý thuyết thì khi bạn ra đi làm bạn sẽ dễ bị “trật nhịp” và phải mất một khoảng thời gian để thích ứng với công việc khi ra trường. Do đó, đi làm thêm chính là cơ hội tốt để các bạn sinh viên có thể tiếp xúc với các những vấn đề phát sinh tại nơi làm việc, được mở rộng kiến thức để xử lý vấn đề, được làm quen với môi trường làm việc,.... Từ đó, sinh viên sẽ nâng cao hiểu biết cá nhân và phát triển trong công việc.

 Bên cạnh đó, nếu như công việc làm thêm lại liên quan đến chuyên ngành đang học của bạn thì đó là một cách tuyệt vời để vận dụng lý thuyết vào thực tế, vừa hỗ trợ việc học, vừa là điểm cộng để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong các buổi phỏng vấn tìm việc làm sau này.

  • Giúp xây dựng được những mối quan hệ bền vững

Đi làm thêm sẽ giúp các bạn tạo lập thêm những mối quan hệ mới với những người chủ doanh nghiệp, người quản lý, đồng nghiệp và ngay cả những khách hàng mà bạn phục vụ. Những mối quan hệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn mà bạn không thể ngờ tới như cơ hội công việc tốt hơn, trợ giúp trong việc học tập trong hay ngoài trường, sự tin tưởng và giúp đỡ khi bạn cần,...

Đi làm thêm giúp sinh viên có thêm những mối quan hệ mới trong cuộc sống

  • Rèn luyện sức khỏe

Các bạn sinh viên thường có thói quen sau khi đi học về thì nằm lười hoặc đi chơi với bạn bè, rất ít khi tham gia các hoạt động vận động thể chất nâng cao sức khỏe. Nếu bạn lựa chọn các công việc làm thêm đòi hỏi vận động, chẳng hạn như: tiếp thị, chạy bàn, bán hàng, phục vụ,… Đa số các công việc này đòi hỏi sự khẩn trương, nhanh nhẹn sẽ khiến bạn phải hoạt động liên tục, nhờ đó cũng giúp các bạn rèn luyện được sức khỏe cho bản thân.

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên hướng nội, ít khi giao tiếp với mọi người thì các công việc làm thêm đòi hỏi sự vận động linh hoạt như trên cũng giúp các bạn bạo dạn và nhanh nhẹn hơn.

  • Gia tăng thu nhập, tự chủ tài chính

Đây cũng là lý do rất nhiều bạn sinh viên lựa chọn đi làm thêm. Khi đi làm thêm các bạn sẽ có thêm một khoản thu nhập, tự lo được cho bản thân mình hoặc để thực hiện các dự định tương lai đã đặt ra. Nhiều bạn sinh viên ngay từ năm nhất đã có thể tự chủ tài chính, cũng như tiết kiệm tiền giúp gia đình và có các khoản đầu tư riêng.

  • Nâng cao kỹ năng mềm

Đi làm thêm chính là môi trường tốt để các bạn sinh viên nâng cao các kỹ năng mềm cho bản thân và hỗ trợ cho công việc và cuộc sống. Chẳng hạn công việc phục vụ, lễ tân sẽ giúp sinh viên nang cao kỹ năng giao tiếp; còn công việc bán hàng thì giúp nâng cao kỹ năng đàm phán, thuyết phục khách hàng,…

Việc vừa đi học vừa đi làm cũng giúp phát huy kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc hiệu quả để có thể hoàn thành đồng thời cả 2 hoạt động. Bên cạnh đó còn nhiều kỹ năng khác sinh viên có thể học hỏi thêm như kỹ năng làm việc nhóm, hoàn thành công việc dưới áp lực, tư duy sáng tạo…

Làm thêm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết

Đi làm thêm mang lại rất nhiều lợi ích và ưu điểm. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều bạn sinh viên, đặc biệt là các phụ huynh vẫn còn lo lắng bởi việc đi làm thêm cũng còn có những mặt trái mà các bạn cũng cần cân nhắc và cân đối để không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.  

2. Sinh viên mất gì khi đi làm thêm?

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe

Việc vừa học vừa làm không phải là điều dễ dàng, do đó nhiều bạn không chịu được áp lực dễ cảm thấy mệt nhọc, căng thẳng, chán chường. Chưa kể nếu các bạn lựa chọn các công việc tay chân quá nặng nhọc cũng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, một công việc văn phòng ít vận động cũng khiến cơ thể bạn yếu dần và giảm sự linh hoạt, nhanh nhẹn. Do đó, sinh viên cần nhận thức rõ năng lực cũng như sở thích của bạn thân để tìm kiếm công việc phù hợp.

Công việc làm thêm nặng nhọc sẽ khiến sinh viên không đủ sức khỏe để học tập

  • Mất nhiều thời gian

Các bạn sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất thường chưa có nhiều kinh nghiệm nên các bạn khá tốn thời gian cho việc tìm kiếm công việc. Ngoài ra, thường các ca làm thêm diễn ra từ 4 đến 5 tiếng mỗi ngày - đồng nghĩa với việc bạn phải hy sinh một vài thói quen, sở thích cá nhân, những cuộc vui với bạn bè,... Bên cạnh đó, nếu các bạn không biết cân bằng thời gian giữa việc học và việc làm thêm sẽ dễ dẫn đến việc xao nhãng bài vở, học lại, trượt môn, không những mất thời gian học lại mà còn mất thêm tiền.

  • Dễ bị lừa lọc mất tiền hay rơi vào cạm bẫy

Chọn việc làm thêm không phù hợp chính là bạn đang lãng phí sức khỏe và thời gian, trong khi đây chính là 2 yếu tố tiên quyết cần có để bạn làm ra tiền bạc. Đôi khi, vì chưa có kinh nghiệm nên sinh viên năm nhất dễ bị lừa lọc, trả lương thấp hơn so với năng lực, thậm chí “bùng” lương hoặc môi trường làm việc tiêu cực cũng sẽ khiến sinh viên dễ rơi vào cạm bẫy của các kẻ xấu. Kết quả là đi làm vừa hao tâm tổn sức, xao nhãng học hành nhưng thu về là con số 0, kèm thêm cả sự bực bội.

3. Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

Câu hỏi này chính là điều mà rất nhiều sinh viên quan tâm. Hiện nay nhiều người cho rằng sinh viên thì nên tập trung vào việc học và tham gia câu lạc bộ (CLB) để hòa nhập môi trường mới thay vì đi làm thêm. Tuy nhiên, hiện nay quan điểm này không còn phù hợp với thế hệ GEN Z năng động, thích ứng nhanh và dám thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, nếu biết sắp xếp thời gian tốt thì việc đi làm thêm mang lại không ít lợi ích cũng như cơ hội cho sinh viên, giúp bạn trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Tham gia các CLB ở trường cũng là cách làm quen môi trường mới

Do đó, sinh viên nên dành một kỳ học đầu tiên để cân bằng việc học, sắp xếp thời gian và làm quen với môi trường mới. Sau đó, các bạn có thể bắt đầu tìm hiểu các công việc làm thêm phù hợp với năng lực và quỹ thời gian của mình. Ngoài ra, nếu các bạn muốn đi làm thêm, các bạn còn có thể nhờ Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp tại Trường mình hỗ trợ giới thiệu các công việc làm thêm phù hợp.

Hiện nay, rất nhiều trường khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập, trải nghiệm môi trường làm việc để trưởng thành hơn. Đây là cơ hội để các bạn sớm làm quen với môi trường lao động và tích lũy những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. 

Trung tâm Truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp

  • Đăng ký xét tuyển
  • 0938861080
  • Facebook