Traffic Count

Sinh viên nên làm gì để tiết kiệm chi tiêu?

Hiện nay rất nhiều sinh viên rơi vào tình trạng “cháy túi” khi vừa mới nhận được tiền hàng tháng từ gia đình. Vậy sinh viên nên làm gì để chi tiêu hợp lý và hiệu quả để có cuộc sống ổn định, kế hoạch chi tiêu rõ ràng và phát triển kỹ năng quản lý tài chính của bản thân. Hãy cùng ITC tìm hiểu nhé!

Tiết kiệm chi phí thuê nhà trọ

Đây cũng là một trong những chi phí chiếm một số tiền lớn hàng tháng của sinh viên. Do đó để giảm chi phí này, các bạn có thể đăng ký ở ký túc xá hoặc ở ghép với bạn bè, người thân. Bằng cách này, các bạn có thể giảm bớt gánh nặng tiền thuê nhà và có thể dư thêm một khoản chi tiêu hàng tháng. Ngoài ra, có người ở chung các chi phí khác cũng sẽ được giảm đi rất nhiều thay vì chỉ ở một mình.

Ngoài ra, khi thuê nhà nên tìm hiểu thêm các chi phí khác ngoài tiền trọ như tiền internet, giữ xe, đổ rác, điện nước,… để tiết kiệm hãy thuê trọ hộ gia đình hoặc những nơi ít phát sinh các chi phí không liên quan khác thay vì ở phòng trọ dịch vụ.

Tiết kiệm chi phí di chuyển

Thay vì sử dụng xe máy và tốn không ít tiền xăng hàng tháng các bạn có thể di chuyển bằng xe bus cũng là một cách tiết kiệm tiền và góp phần bảo vệ môi trường, giảm tắc nghẽn giao thông. Với sinh viên các bạn có thể đăng ký vé tháng. Ngoài ra, việc thuê trọ gần trường cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí đi lại.

Đi học bằng xe bus giúp sinh viên tiết kiệm chi phí di chuyển

Hạn chế việc thi lại và học lại

Tình trạng thi lại, học lại hiện nay không còn quá xa lạ với các bạn sinh viên. Do không tập trung, nghỉ quá số tiết quy định, vi phạm quy chế,…các bạn bị cấm thi hoặc thi rớt. Các chi phí thi lại và đặc biệt là học lại khiến cho sinh viên tốn rất nhiều tiền để thi qua được môn đó.

Do đó, hãy tập trung vào việc học ngay từ đầu, bạn có thể tiết kiệm tiền học phí nếu đạt kết quả học tập tốt. Thậm chí nếu bạn học giỏi, bạn còn có thể nhận được học bổng từ nhà trường.

Để tránh phải học lại và thi lại, bạn nên:

  • Đi học đầy đủ, nghe giảng cẩn thận trong lớp, ghi chép bài thường xuyên.
  • Ôn tập kỹ càng trước khi thi. Tránh tình trạng gần sát ngày thi mới bắt đầu ôn tập.
  • Ngoài ra, bạn cần biết cách quản lý thời gian để phân bổ công việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý.

Tăng thu nhập bằng cách làm việc bán thời gian

Ngoài việc tiết kiệm thì để tăng thêm thu nhập các bạn sinh viên có thể đi làm các công việc bán thời gian như phục vụ, gia sư, bán hàng,…Các công việc này ngoài giúp tăng thêm thu nhập còn giúp bạn mở mang kiến thức, tạo dựng mối quan hệ và trau dồi kỹ năng mềm.

Bạn nên chọn một công việc linh hoạt hơn về thời gian. Nếu có thể, hãy chọn một công việc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của bạn để có thêm kinh nghiệm bổ ích và nâng cao cơ hội việc làm của bạn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, bạn cần chú ý cân bằng giữa việc học và việc làm thêm để không bỏ bê việc học tập và quá tập trung vào việc kiếm tiền.

Làm thêm là cách giúp sinh viên tăng thu nhập hàng tháng

Nấu ăn thay vì đi ăn bên ngoài và hạn chế tụ tập, tiệc tùng

Thói quen tự nấu ăn hàng ngày tưởng chừng dễ dàng nhưng lại có thể là thử thách đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn nam. Nguyên nhân là do các bạn sinh viên thường xuyên nhận được những lời mời tụ tập từ bạn bè. Còn các bạn nữ lại hay tốn không ít tiền cho những món ăn vặt hay trà sữa. Nếu thường xuyên tụ tập, tiệc tùng thì chưa đến một tuần các bạn đã tiêu hết số tiền của một tháng đó nhé!

Chi phí đồ ăn ở các quán khá cao so với mức sống của sinh viên. Giá ăn uống ngoài trời trung bình 30.000 - 40.000 đồng. Nếu tự nấu ở nhà, mỗi suất ăn chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng, nếu nấu ăn chung với bạn bè chi phí đó còn giảm đi một nửa. Ngoài ra, thức ăn bên ngoài thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Bạn nên mua thực phẩm tươi ở chợ và dành thời gian nấu ăn ở nhà. Khoản chi phí tiết kiệm được từ những bữa ăn đắt đỏ không cần thiết sẽ giúp bạn dành nhiều tiền hơn cho những mục đích cá nhân khác.

Tính trước chi phí cố định

Để tránh tiêu quá tay mỗi tháng, hãy xác định các chi phí cố định như: Tiền thuê nhà, tiền điện nước,…

Bạn nên lập ngân sách chi tiêu để phân chia thu chi hàng tháng một cách khoa học. Điều này cũng sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng quản lý chi tiêu hợp lý và tránh bội chi. Bạn có thể làm theo năm bước sau để tạo một kế hoạch chi tiêu hiệu quả cho chính mình.

  • Bước 1: Xác định thu nhập của bạn.
  • Bước 2: Xác định chi phí cố định hàng tháng của bạn.
  • Bước 3: Xác định các chi phí có thể phát sinh trong tháng.
  • Bước 4: Phân loại các hạng mục chi phí và đánh giá lại nhu cầu của từng hạng mục.
  • Bước 5: Điều chỉnh ngân sách của bạn bằng cách cắt giảm chi tiêu không cần thiết và đầu tư vào những mục tiêu quan trọng hơn.

Hãy ghi rõ kế hoạch chi tiêu từng tháng

Hy vọng với bài viết trên các bạn sinh viên sẽ biết cách chi tiêu hợp lý mỗi tháng, để bản thân không còn rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã cháy túi. Hãy cố gắng lên kế hoạch chi tiêu và biết cách quản lý tài chính bản thân ngay từ bây giờ nhé!

Trung tâm Truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp

  • Đăng ký xét tuyển
  • 0938861080
  • Facebook