Giới thiệu luật giáo dục 2012
Giới thiệu Luật giáo dục Đại học 2012
Ngày 02 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch nước ký Lệnh số 06/2012/L-CTN về việc công bố Luật giáo dục đại học
Luật giáo dục đại học đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012.
Luật giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Theo Luật giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường cao đẳng; Trường đại học, học viện; Đại học vùng, đại học quốc gia; Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo tiến sĩ.
Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo 02 loại hình: Cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước và cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
Theo Luật, nhà nước có chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng… để khuyến khích các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động nhưng không vì mục đích lợi nhuận. Các trường có vốn đầu tư lớn cũng được ưu tiên cho phép thành lập. Tuy nhiên, để tránh tình trạng một trường đại học nào đó muốn lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để mưu cầu lợi nhuận, luật quy định dành ít nhất 25% chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư, sẽ phải nộp thuế theo quy định.
Mặt khác, để đảm bảo sự phát triển bền vững của trường, luật quy định giá trị tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị các tài sản được ủng hộ, tài trợ, hiến tặng là tài sản chung không chia, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Như vậy, sau vài chục năm hoạt động, cơ sở giáo dục đại học tư thục cũng trở thành cơ sở phục vụ xã hội như một trường công.
Ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục đại học là Tiếng Việt.
Cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện: có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt; có chấp thuận bằng văn bản của UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính; có xác nhận về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học (đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài còn phải có Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền). Sau 04 năm kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không được cho phép hoạt động đào tạo thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hết hiệu lực.
Cơ sở giáo dục đại học được phép hoạt động đào tạo khi có đủ điều kiện: có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên; có chương trình đào tạo và giáo trình; có đủ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; có đủ nguồn lực tài chính; có quy chế tổ chức và hoạt động.
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp với quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp, đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Luật giáo dục. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên.
Người học tại cơ sở giáo dục đại học không được làm 04 nhóm hành vi sau: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; Tham gia tệ nạn xã hôi, gây rối an ninh trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Luật giáo dục đại học quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo.
Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.
Về vấn đề phân tầng đại học, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học, hệ thống các trường đại học sẽ được phân tầng thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, các cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, đồng thời tạo điều kiện đào tạo đội ngũ nhân lực hài hòa theo nhu cầu của xã hội.
Luật Giáo dục đại học có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, Luật Giáo dục đại học quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng. Theo Luật, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.
Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.