Hóa học luôn là một trong những môn học khiến nhiều thí sinh lo lắng. Với khối lượng kiến thức lớn, các bạn học sinh cần có phương pháp ôn tập hiệu quả và khoa học để đạt được kết quả cao trong kỳ thi năm nay. Dưới đây là 4 nguyên tắc "vàng" mà các bạn học sinh cần ghi nhớ!
Nắm chắc kiến thức nền tảng:
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất để học tốt bất kỳ môn học nào, đặc biệt là môn Hóa học. Học sinh cần nắm chắc kiến thức lý thuyết cơ bản được học trong sách giáo khoa lớp 10, 11 và 12. Nên tập trung vào những kiến thức trọng tâm, thường xuyên ôn tập và củng cố để kiến thức một cách lâu dài.
Tuyệt đối không xa rời kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12, đặc biệt những dòng chữ in màu xanh thể hiện nội dung trọng tâm từng bài, phải học kỹ. Khi một vấn đề nào đó còn tranh luận thì căn cứ vào sách giáo khoa là tài liệu chính thống để tra cứu và chuẩn xác kiến thức trong kỳ thi THPT.
Sử dụng sơ đồ tư duy:
Sơ đồ tư duy là công cụ hữu ích giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức một cách khoa học và dễ nhớ hơn. Nên tập vẽ sơ đồ tư duy hệ thống hóa nội dung kiến thức từng chương, chú trọng chương trình lớp 12. Kiến thức hóa học hữu cơ thì nên xem kỹ từ phần hóa học nhóm chất của lớp 11 từ Ancol - Anđehit - Axit cacboxylic đến kiến thức hóa hữu cơ 12 như: Este - Lipit, Cacbohydrat, Amin, Protein - Peptit, Polime...
Do môn hóa có đặc thù riêng là mang tính hệ thống và liên tục theo nguyên tắc đồng tâm, trải đều qua cả 3 năm học nên khi ôn tập các em phải hệ thống, xâu chuỗi được nội dung mình đang ôn tập với các phần kiến thức có liên quan khác. Sơ đồ tư duy sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp nhớ lâu, nhớ sâu giúp học hóa khôn ngoan và không gian nan.
Luyện tập giải đề:
Luyện tập giải đề là cách tốt nhất để học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, dạng thức câu hỏi và cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Nên chọn những đề thi chất lượng, có đáp án và giải thích chi tiết để học sinh có thể trau dồi kỹ năng và rút kinh nghiệm sau mỗi lần làm bài.
Tuy nhiên trong quá trình giải các đề thi thử, các em nên lưu ý rằng các bài tập hóa học thuộc mức độ vận dụng cao sẽ rất đa dạng và phong phú nên thường không theo một mô típ nào. Vì vậy các em cũng không phải bỡ ngỡ và lo lắng khi giải chưa được những câu này. Các em cần nắm chắc các công cụ giải toán như bảo toàn electron, bảo toàn nguyên tố, phương pháp quy đổi cộng thêm phần tư duy nhạy bén sẽ có thể đưa các bài toán “mới” này quay về bài toán “cũ” và giải quyết dễ dàng.
Tham khảo, học hỏi thêm từ thầy cô, bạn bè:
Các em hãy chuẩn bị một quyển nhật ký học tập, luôn tự mình giải quyết các câu hỏi với chủ đề có liên quan. Nếu kiến thức nào chưa thuộc, chưa nhớ có thể rà soát lại trong sách giáo khoa và ghi chú vào quyển sổ tay nhật ký học tập này để tiện tra cứu và ôn luyện về sau.
Thời điểm này các em nên chia đều ra các buổi ôn tập hữu cơ song song với vô cơ bằng cách giải quyết các câu hỏi trắc nghiệm theo chủ đề được trích từ các đề thi minh họa, đề thi Tốt nghiệp THPT các năm nhằm cuốn chiếu nội dung kiến thức và thường xuyên định lượng thước đo năng lực của mình đến đâu để nếu còn thiếu sót kiến thức phần nào thì kịp thời bổ sung và hoàn thiện.
Học sinh có thể tham gia các diễn đàn ôn luyện thi THPT để học hỏi cách giải mới, hay từ thầy cô có kinh nghiệm, bạn bè… rồi ghi chép lại cách giải. Đây là một trong những cơ hội để các em biến nó trở thành kiến thức của cá nhân mình, từ đó có thể vận dụng linh hoạt trong kỳ thi sắp tới.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn học sinh ôn thi môn Hóa hiệu quả và đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024! Theo dõi website và fanpage Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Tp.HCM - ITC để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nha các bạn ơi!
Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp