Lịch sử là môn học có khối lượng kiến thức khổng lồ và khó nhớ bởi các cột mốc thời gian. Điều đó khiến nhiều bạn học sinh cảm thấy môn học này khó khăn và nhàm chán. Theo dõi ngay bài viết dưới đây để có thể lên kế hoạch ôn tập và làm tốt bài thi môn Lịch sử trong giai đoạn nước rút nhé!
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm 2024 bám sát chương trình phổ thông với: Kiến thức trọng tâm của đề rơi vào Lịch sử lớp 12 (90%), lớp 11 (10%); lịch sử thế giới chiếm 30%, lịch sử Việt Nam chiếm 70%. Đa phần các câu hỏi có mức độ vận dụng cao rơi vào phần nội dung kiến thức lịch sử Việt Nam.
Đề thi có mức độ phân hóa tốt. Nhiều câu hỏi chỉ cần kiến thức địa lí để loại trừ các phương án gây nhiễu và đưa ra đáp án đúng. Các câu hỏi so sánh chiếm phần lớn trong hệ thống câu hỏi mức độ vận dụng. Một số câu hỏi, thí sinh cần phân tích bối cảnh thế giới để xem xét, đánh giá mối liên hệ với các sự kiện lịch sử Việt Nam.
Để có thể làm tốt bài thi, các bạn cần nhớ 5 lưu ý sau:
Hiểu rõ cấu trúc đề thi, xác định các nội dung kiến thức trọng tâm: Từ đó phân phối thời gian ôn tập phù hợp, bám sát với yêu cầu cần đạt trong phân phối chương trình học và sách giáo khoa. Việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa sẽ tạo nền tảng để thí sinh tư duy giải quyết các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao.
Rèn luyện kỹ năng đọc, phân tích các câu hỏi lịch sử: Các bạn học sinh có thể nhận định các từ khóa quan trọng để truy tìm phương án đúng. Nhiều phương án có thể dễ dàng loại trừ bởi gắn với các từ khóa quan trọng như lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao hoặc địa lí, thời gian.
Lưu ý đến những cụm từ quan trọng như: Tất cả, chỉ, chủ yếu, chiến lược, sách lược, quyết định, chính, quan trọng, chủ quan, khách quan... để ra quyết định lựa chọn phương án. Các cụm từ trên có thể dẫn đến cách nhìn nhận rộng hoặc hẹp trong tư duy lịch sử.
Sơ đồ hóa các sự kiện lịch sử Việt Nam: Bằng cách sơ đồ hóa các sự kiện lịch sử Việt Nam trong mối liên hệ với sự kiện thế giới các bạn có thể phân tích, đánh giá sự kiện lịch sử trong mối quan hệ tác động qua lại. Lưu ý các câu hỏi mang tính so sánh như các kế hoạch chiến tranh, chiến lược chiến tranh, chiến dịch lớn, hội nghị quan trọng, hiệp định Geneva và Paris.
Rèn luyện các đề thi lịch sử các năm trước: Việc luyện đề nhiều có thể đánh giá kiến thức, bổ sung kiến thức còn thiếu ở bản thân. Trong quá trình làm bài, cần tránh tư tưởng đáp án dài hơn là đáp án đúng (thực tế đề sẽ cân đối độ dài các đáp án). Thí sinh cần xem xét các đáp án có độ phủ lớn, độ chính xác cao, không có các từ khóa lặp về tần suất để ra quyết định phù hợp.
Qua những lưu ý trên, hy vọng các bạn học sinh có thể ôn thi môn Lịch sử hiệu quả và đạt được số điểm mong muốn. Theo dõi website và fanpage Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Tp.HCM - ITC để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nha các bạn ơi!
Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp