“Chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt trong khi đó chỉ số EQ lại chiếm đến 75%” – theo Daniel Goleman. Trong khi mọi người luôn nghĩ chỉ cần IQ cao là đủ nhưng chính EQ mới giúp bạn thành công. Vậy chỉ số EQ là gì? Nó có cần thiết đối với sinh viên không? Làm thế nào để cải thiện chỉ số EQ của bạn? Cùng ITC giải đáp trong bài viết này nhé!
Chỉ số EQ là gì?
EQ là viết tắt của Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số cảm xúc, là khả năng nhận thức, kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của bản thân và cả người xung quanh. Những người có chỉ số cảm xúc cao đồng nghĩa với việc họ có thiên hướng giàu tình cảm, khả năng bình tĩnh, chịu áp lực tốt và biết tiết chế cảm xúc hơn.
Trong xu hướng tuyển dụng ngày nay, các nhà tuyển dụng đánh giá cao những người cân bằng được cả chỉ số IQ và EQ hay gọi tắt là EI (Emotional Intelligence).
Chỉ số EQ cao có cần thiết với các bạn sinh viên không?
IQ là chỉ số thông minh đầu óc, được đánh giá cao đã từ lâu. Nhưng qua thời gian phát triển của xã hội, EQ dần được công nhận là còn quan trọng hơn IQ ở nhiều điểm. Trên thực tế, những người có điểm chỉ số EQ cao có xu hướng dễ tìm được việc, dễ kiếm thu nhập cao và được thăng chức hơn. Tại sao lại như vậy?
Bởi khi bạn có khả năng nhận thức được cảm xúc của mình và những người xung quanh, bạn sẽ biết cách tạo dựng các mối quan hệ và đối xử hoà hảo với mọi người, nâng cao khả năng làm việc nhóm và tăng hiệu quả công việc hơn. Qua đó, ta thấy được rằng, các bạn sinh viên cũng cần có chỉ số EQ cao để phát triển bản thân tốt hơn. Nhưng nếu có chỉ số EQ thấp thì phải làm sao, có cải thiện được chỉ số này không? Câu trả lời là có nhé!
5 Thói quen tốt giúp cải thiện chỉ số EQ
1. Suy nghĩ tích cực
Nếu bạn là một người luôn giữ tinh thần lạc quan, bạn sẽ có sức khỏe, thể chất và tinh thần tốt hơn người bi quan. Điều này cũng khiến cho năng suất làm việc của bạn trở nên tốt hơn. Đồng thời việc suy nghĩ tích cực sẽ không để bản thân lo lắng bất cứ điều gì. Bạn nên tập trung năng lượng để có thể kiểm soát: sự chú ý và sự nỗ lực của chính mình.
2. Chịu khó suy ngẫm
Hãy xem xét kỹ lưỡng cách bạn cảm nhận và hành động trong quá khứ sẽ giúp bạn thêm thận trọng và có ý thức hơn sau này. Chẳng hạn, khi bạn về nhà nhưng cảm thấy không vui. Bạn không nên ngay lập tức quên mọi thứ và tìm cách thư giãn cho bản thân. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian suy nghĩ về những điều đã làm bạn phiền lòng và tìm ra lý do.
3. Tạo thói quen kiểm soát cảm xúc
Trong công việc, những người dễ dàng thất vọng hoặc nản chí khi gặp vấn đề phát sinh bất ngờ được cho là những người kém bản lĩnh. Vậy nên trong mọi tình huống xảy ra, bạn nên kiềm chế cảm xúc của bản thân, giảm bớt cảm giác thất vọng và giận dữ của mình rồi mới bắt đầu xử lý vấn đề. Ví dụ, nếu ai đó đưa ra bình luận khó chịu về bạn trong buổi học nhóm, hãy kiểm soát cảm xúc và bình tĩnh lại.
4. Biết cảm thông với mọi người
Việc quan trọng để nâng cao chỉ số cảm xúc là bạn nên học cách cảm thông. Nhờ việc cảm thông với mọi người xung quanh bạn có thể dễ dàng hiểu được tại sao người này làm thế này, người kia cảm thấy thế kia – và có những phản ứng thích hợp. Để có thể thấu cảm với mọi người hơn, bạn có thể tham khảo cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie về nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp.
5. Trải nghiệm những hoạt động xã hội
Có một cách khác để nâng cao trí tuệ cảm xúc của bạn là nói chuyện và kết nối với mọi người xung quanh. Theo những minh chứng khoa học cho thấy, bạn sẽ có xu hướng quan tâm đến mọi người hơn nếu được tiếp xúc với nhiều người. Trong một cộng đồng, bạn không thể chỉ suy nghĩ cho bản thân mình, được chia sẻ với những người xung quanh sẽ giúp bạn đồng cảm với họ hơn, làm gia tăng trí tuệ cảm xúc của bạn.
Thường xuyên tham gia các hoạt động sẽ giúp các bạn sinh viên nâng cao chỉ số EQ
Với những thói quen này, ITC hy vọng các bạn sinh viên sẽ cải thiện được chỉ số trí tuệ cảm xúc, đồng thời phát triển bản thân hơn trong tương lai.
Trung tâm Truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp