Làm thế nào để ôn thi Địa lý hiệu quả trong giai đoạn nước rút hiện tại? Cùng ITC theo dõi bài viết dưới đây để biết những lưu ý khi ôn tập và làm bài thi môn Địa lý nhé!
Hiểu rõ, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo
Địa lý là môn học không chỉ đơn thuần học thuộc kiến thức cơ bản mà còn cần học sinh có tư duy phân tích, tổng hợp và tư duy logic trong quá trình ôn tập, làm bài thi. Để có thể ôn tập thi tốt nghiệp hiệu quả, các bạn cần hiểu rõ cấu trúc bài thi và bám sát cấu trúc đề thi tham khảo.
Với cấu trúc đề thi gồm 40 câu, chia hai phần:
- Phần lí thuyết có 21 câu thuộc các chủ đề: Địa lí tự nhiên (4 câu), địa lí dân cư (2 câu), địa lí ngành kinh tế (7 câu), địa lí vùng kinh tế (8 câu).
- Phần kỹ năng có 19 câu gồm: 15 câu kỹ năng khai thác Atlat, 2 câu kỹ năng biểu đồ, 2 câu kỹ năng bảng số liệu.
Trong đề, 38 câu thuộc chương trình lớp 12 và 2 câu kiến thức lớp 11 (kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu). Tỷ lệ câu hỏi ở mức độ vận dụng là 50% (20 câu), mức độ thông hiểu là 25% (10 câu), mức độ vận dụng là 15 % (6 câu), mức độ vận dụng cao (10%). Mức độ vận dụng, vận dụng cao chủ yếu thuộc nội dung các vùng kinh tế. Ngoài ra, học sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.
Nắm chắc kiến thức cơ bản
Các bạn học sinh cần hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Ở mỗi chủ đề nên biết cách xác định từ khóa, các hình ảnh gợi nhớ và mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý,… tránh học tủ nhưng không hiểu bản chất.
- Rèn luyện tư duy và phương pháp xem bản đồ thuần thục. Nắm rõ các ký hiệu để đọc bản đồ một cách nhanh chóng. Luyện tập nhiều giúp các bạn ghi nhớ được vị trí các vùng, các tỉnh trên bản đồ.
- Rèn luyện kỹ năng nhận xét, phân tích, nhận dạng biểu đồ và bảng số liệu.
- Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp gồm: Biểu đồ thể hiện nội dung nào; lựa chọn nhận xét "đúng" hoặc "không đúng" dựa vào biểu đồ đã cho. Các bạn cần phải nắm vững kiến thức về đặc trưng của từng loại biểu đồ.
Sau khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản, có nền móng vững chắc, các bạn sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu nội dung nâng cao.
Rèn luyện kỹ năng giải đề
Bên cạnh đề minh họa, học sinh cần tham khảo thêm các đề thi của các năm trước, các địa phương khác. Việc luyện tập nhiều sẽ giúp các em rèn luyện được kỹ năng phản xạ với các dạng câu hỏi trong đề thi. Tuy nhiên, cần lưu ý chi tiết để tránh việc sai thường xuyên ở một chủ đề. Việc luyện đề sẽ có hiệu quả hơn khi kết hợp ôn tập kiến thức và làm đề thi theo hình thức “cuốn chiếu”. Ôn tập đến đâu, học sinh kết hợp luyện đề đến đó.
Để đạt được kết quả tốt, học sinh cần biết phân bổ thời gian, phân chia dạng câu hỏi. Thời gian làm bài trắc nghiệm môn Địa lí là 50 phút với tổng số 40 câu hỏi, như vậy thời gian trung bình cho một câu hỏi là khoảng 1phút 15 giây - 1 phút 25 giây.
Lưu ý làm bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Đề thi sẽ có độ khó tăng dần, vậy nên làm tuần tự. Việc hoàn thành nhanh các câu kiến thức cơ bản và dễ "ăn điểm" sẽ giúp các bạn có tâm lý tự tin hơn cho những câu tiếp theo.
- Trong 4 đáp án sẽ bao gồm các đáp án gây nhiễu, vì vậy các bạn nên rèn luyện kỹ năng tìm từ khóa, từ đó tìm ra mấu chốt để giải quyết vấn đề. Nếu trường hợp gặp phải câu hỏi lạ, nên học phương pháp loại trừ để tránh bỏ sót câu hỏi đó.
- Đọc kỹ yêu cầu của đề thi, xác định các “từ khóa” có tính dấu hiệu, đặc trưng để xác định đáp án, phản ứng nhanh với yêu cầu đề thi.
- Đặc biệt, các bạn không nên ôn thi quá sức, thay vào đó cần ôn đủ và chắc. Chuẩn bị cho mình tinh thần tốt, nghỉ ngơi đúng giờ và giữ tâm lý thoải mái khi đi thi, mang đầy đủ các đồ dùng đặc trưng của bộ môn (Atlat Địa lí Việt Nam, máy tính bỏ túi,…).
Trên đây là những lưu ý khi ôn tập và đi thi môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có cho mình kế hoạch ôn luyện hiệu quả. Chúc các bạn tự tin vững vàng hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT thật tốt nhé!
Theo dõi website và fanpage Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Tp.HCM - ITC để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nha các bạn ơi!
Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp