Traffic Count

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những gợi ý ôn tập môn Ngữ văn giai đoạn nước rút

Chỉ còn 1 tháng nữa là các bạn lớp 12 sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là khoảng thời gian các bạn cần tập trung và ôn tập theo nội dung, tránh ôn lan man, dàn trải. Đồng thời, cần làm quen với đề thi, nắm rõ cấu trúc đề và biết cách phân bố thời gian hợp lý.

Dưới đây là một số gợi ý ôn tập hiệu quả môn Ngữ Văn cho các bạn học sinh lớp 12:

1. Hệ thống lại kiến thức:

  • Nắm chắc cấu trúc đề thi: Việc đầu tiên là cần nắm rõ cấu trúc đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia để có định hướng ôn tập phù hợp. Cấu trúc đề thi thường bao gồm 3 phần: Đọc - hiểu văn bản, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
  • Ôn tập kiến thức theo từng chủ đề: Chia nhỏ kiến thức Ngữ văn thành các chủ đề nhỏ như: Tác giả, tác phẩm, thể loại văn học, biện pháp tu từ, ngữ pháp,... để ôn tập một cách hệ thống và dễ nhớ hơn.
  • Luyện tập giải đề: Việc luyện tập giải đề thi thử, đề thi tham khảo các năm trước sẽ giúp học sinh làm quen với dạng đề, cách thức ra đề và phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

2. Rèn luyện kỹ năng làm bài:

  • Kỹ năng đọc - hiểu văn bản: Phân tích, tóm tắt nội dung chính, xác định biện pháp tu từ, tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
  • Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận: Xác định luận điểm, lập luận, trình bày dẫn chứng, liên hệ bản thân,...
  • Kỹ năng viết bài văn nghị luận: Xác định đề bài, lập dàn ý, viết bài theo đúng cấu trúc, sử dụng ngôn ngữ logic, giàu sức thuyết phục.

3. Một số lưu ý khác:

Để làm tốt đề thi môn Ngữ văn, các bạn cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi. Ví dụ với phần đọc hiểu, câu hỏi 1 thường là câu hỏi nhận biết, kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Các bạn cần nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích. Câu hỏi số 2 và số 3 thường kiểm tra khả năng đọc - hiểu thông điệp nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của một đơn vị ngôn từ nào đó trong ngữ liệu.

Phần đọc hiểu chiếm 30% điểm toàn bài thi, vì thế, học sinh cần tập trung cao, trả lời gọn gàng, chính xác; và khi làm bài thi chỉ nên làm trong 20-25 phút, đừng mất nhiều thời gian cho phần này mà không đủ giờ làm cho các câu còn lại. Cách trình bày khoa học, sáng tạo và cá tính sẽ là điểm cộng khi làm những phần này.

Khi viết bài văn nghị luận, các bạn học sinh cần nắm vững giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện với các tác phẩm truyện. Các thí sinh thường chủ quan, bỏ qua phần kết luận. Tuy nhiên, các ý "chốt" sẽ là một điểm nhấn làm bài viết chặt chẽ hơn rất nhiều.

Trong quá trình ôn luyện ở tháng cuối này, các thí sinh cần tập trung ôn luyện những dạng bài có trong chương trình, bám sát chương trình, tránh mất thời gian ôn tập những nội dung, dạng bài đã được công bố giảm tải mà trước đó Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Mỗi học sinh cần xây dựng cho mình những khung thời gian hợp lý để ôn tập. Đồng thời, cần phải chia đều thời gian để học và ôn tập các kiến thức các môn trong khối thi của mình, tránh trường hợp học lệch để điểm thi đạt được có thể là cao nhất.

Giai đoạn nước rút dễ khiến học sinh cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Do đó, điều quan trọng là cần giữ tinh thần thoải mái, tự tin để ôn tập hiệu quả. Các bạn nhớ chia nhỏ thời gian học tập thành các khung giờ phù hợp, tránh học tập quá tải. Hãy nhớ ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để có sức khỏe tốt nhất cho việc ôn tập và thi cử nhé!

Theo dõi website và fanpage Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Tp.HCM - ITC để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nha các bạn ơi!

Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp

  • Đăng ký xét tuyển
  • 0938861080
  • Facebook